Kết quả 1 đến 9 của 9
  1. #1
    LinhNguyen Guest

    Đồ họa vs. Gameplay


    Uncharted 2: Among Thieves -- PlayStation 3

    ĐỒ HỌA VS. GAMEPLAY
    Thật là khôi hài khi sau hơn 4 tháng phát hành, những ngày này, người viết bài vẫn liên tục nghe thấy người ta tranh cãi xung quanh cơ chế đồ họa tuyệt vời của tựa game Uncharted 2: Among Thieves trên hệ máy PS3, bởi vì, mới chỉ 1 vài năm trước đây thôi, có 1 tấm biểu ngữ đã được giương lên khắp mọi nơi bởi các phương tiện truyền thông đại chúng và chính 1 bộ phận không nhỏ trong giới game thủ, đó là "Gameplay quan trọng hơn Đồ họa".

    Nhìn sơ qua, đó có lẽ là 1 khẩu hiệu thật đúng đắn. Ý tôi là, chúng ta đang thưởng thức trò chơi điện tử -- 1 thứ công cụ giải trí đặc biệt của loài người. Thứ mà ta luôn luôn cần phải quan tâm tới chính là lối chơi, và nó mang 1 ý nghĩa hết sức to lớn đối với toàn bộ trải nghiệm, cũng giống như việc ta có ưa thích 1 bộ phim hay 1 bài hát nào đó hay không phần nhiều còn phải phụ thuộc vào chất lượng của cốt truyện/diễn xuất, ca từ/giai điệu.

    Là 1 gamer tương đối lâu năm (bắt đầu chơi game kể từ những ngày tháng hoàng kim của NES tại Việt Nam năm 1999), cá nhân tôi đã chứng kiến phần nào sự phát triển của ngành công nghiệp game trong hơn 1 thập kỉ qua. Công nghệ đồ họa cũng đã phát triển từ những hình vuông, những vật thể nhỏ bé xếp chồng lên nhau trên màn hình thành những mô hình nhân vật quá chi tiết tới độ bạn không thể không cảm thấy sững sờ trước cái sự thật rằng "họ" không phải là những con người bằng xương bằng thịt.


    Killzone 2 -- PlayStation 3
    Và vâng, khi đã tận hưởng chán chê những cảm giác bất ngờ thú vị ấy, giới truyền thông đại chúng, và rất nhiều các game thủ, lại đột nhiên tỏ ra thích thú với việc tuyên bố rằng đồ họa ra sao chẳng quan trọng, và tất cả đều phải xoay quanh gameplay. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chỉ như vậy là chưa đủ. 1 vài trong số những tựa game xuất sắc nhất mọi thời đại đều được tán tụng bởi chúng sở hữu 1 cơ chế đồ họa đáng kinh ngạc ở vào thời điểm đó. Super Mario Bros. 3, lấy ví dụ, được ca ngợi vì được xây dựng với những hình ảnh "đẹp đẽ", "kì diệu" song hành cùng 1 lối chơi vô cùng sáng tạo. Những tựa game như Metal Gear Solid 3, The Chronicles of Riddick: Escape from Butcher Bay và Shadow of the Colossus cũng đều được tán dương bởi các hiệu ứng tuyệt vời cũng như lối chơi có kết cấu rất chặt chẽ của chúng.


    Super Mario Bros. 3 -- NES


    Shadow of the Colossus -- PlayStation 2


    Metal Gear Solid 3: Snake Eater -- PlayStation 2


    The Chronicles of Riddick: Escape from Butcher Bay -- Xbox

    Xét trên thực tế, có rất ít trò chơi coi trọng đồ họa hơn gameplay (tuy nhiên không quá khó để nhớ được 1 cái tên: The Bouncer). Những tựa game như Uncharted: Drake's Fortune, và điển hình hơn là hậu bản của nó, Uncharted 2: Among Thieves, đều là những bức tranh mãn nhãn về đồ họa. Những khung cảnh thiên nhiên, độ chi tiết vân bề mặt và các mô hình nhân vật xuất hiện tại đây, nói không ngoa, là 1 vài trong số những tác phẩm đạt chất lượng cao nhất mà chúng ta từng thấy trên các hệ console. Uncharted 2 có thể dễ dàng được xem như tựa game đẹp nhất từ trước tới nay trên bất kì 1 hệ máy nào đang góp mặt tại thị trường. Rõ ràng là, nếu cho rằng gameplay quan trọng hơn đồ họa, vậy thì Uncharted 2 chưa chắc đã là 1 tựa game hay, phải không? Không hẳn. Những giải thưởng liên tiếp đã nói lên rằng đây không chỉ đơn thuần là 1 trong số những trò chơi hoàn hảo nhất trong năm vừa qua, đây còn là 1 trong số những trò chơi hoàn hảo nhất mà thế hệ console mới mẻ này từng sản sinh ra. Sự kết hợp giữa gameplay và đồ họa trong Uncharted 2 tỏ ra quá nhuần nhuyễn xét về mọi mặt đến mức khiến cho bạn không thể nào chỉ sở hữu 1 thứ và chịu đánh mất đi thứ còn lại.


    The Bouncer -- PlayStation 2
    Cơ chế đồ họa bổ sung mạnh mẽ cho gameplay; nói cách khác, chúng sẽ không còn là chính chúng nữa nếu thiếu đi sự bổ sung từ kẻ còn lại. Liệu lối chơi của Uncharted 2 có trở nên tệ hại hơn nếu như nó được bồi đắp nên từ những hiệu ứng thời PlayStation 1? Có lẽ là không, nhưng ấn tượng về game sẽ bị giảm đi đáng kể. Thậm chí có thể sự kết nối có được giữa chúng ta, những người chơi, và nhân vật chính Nathan Drake cùng 1 "lực lượng" đa dạng các nhân vật hỗ trợ cho anh cũng sẽ trở nên mỏng manh hơn. Sẽ là dễ dàng hơn rất nhiều để liên kết tinh thần với 1 nhân vật sở hữu diện mạo gần gũi với chúng ta hơn là anh chàng Pitfall Harry từ "thời kì đồ đá" Atari 2600.


    Pitfall -- Atari 2600 -- Nathan Drake, có phải anh đó không?
    Ngay cả những tựa game phi thực tế như Ratchet and Clank Future cũng sở hữu những hiệu ứng đồ họa rực rỡ song không kém phần chân thực mà người ta đã đem ra so sánh với những bộ phim hoạt hình của Pixar. Lối chơi của series Ratchet and Clank về cơ bản đã không đổi khác chút nào kể từ các phiên bản trên PS2, song sức mạnh phần cứng tuyệt diệu được đem tới từ PS3 đã đưa cả series lên 1 nấc thang mới, vượt xa những gì từng có trên hệ máy trước đây nhờ vào 1 công nghệ xử lí, "đại tu" mượt mà hơn vốn là điều không thể có được ở PS2.


    Ratchet and Clank Future: A Crack in Time -- PlayStation 3
    1 ví dụ khác, Sucker Punch đã trình làng tựa game PS3 đầu tiên của họ trong năm 2009 mang tên inFAMOUS. Xét về khía cạnh đồ họa, trò chơi vượt xa hầu hết các tựa game sandbox có mặt trên thị trường ở vào khoảng thời gian đó (điển hình là Spider - Man: Web of Shadows và Prototype), song lại không thể đối chọi nổi với những trò chơi như Killzone 2 và Uncharted, vốn là những sản phẩm được các hãng phát triển đầu tư với 1 bối cảnh thực tế hơn.


    inFAMOUS -- PlayStation 3
    Sucker Punch, tuy vậy, nổi tiếng phần nhiều dựa vào khả năng thiết kế gameplay chất lượng của họ qua series xuất sắc Sly Cooper trên hệ máy PlayStation 2. inFAMOUS là 1 phép pha trộn của những gì mà họ đã từng hoàn thiện và đưa đến độ chuẩn mực trong series Sly ngày nào -- cơ chế điều khiển, thiết kế màn chơi, phong cách đồ họa -- và lồng ghép nó vào 1 thế giới mở theo mô típ siêu anh hùng. Kết quả là 1 ấn tượng khó phai mờ cả về tính sáng tạo lẫn hình ảnh. Gameplay và đồ họa.

    Vô số những tựa game khác nữa, từ Mass Effect, BioShock cho tới Metal Gear Solid 4 đều thành công trong việc đạt được 1 kết quả tương tự: Đem tới 1 trải nghiệm phong phú về lối chơi, những môi trường nội/ngoại cảnh và mô hình nhân vật sắc nét tới từng chi tiết.


    Mass Effect -- Xbox 360


    BioShock -- PC, PS3, Xbox 360


    Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots -- PlayStation 3
    Chúng ta có nên tìm cách chỉ trích cái thực tế rằng những tựa game đã đề cập tới bên trên tỏ ra lộng lẫy tới mức khó tin là bởi vì những tựa game khác (cũng như các hệ máy khác) không thể đủ sức xây dựng nên cùng 1 cơ chế hiệu ứng như thế? Không, đó là 1 câu hỏi tương đối đơn giản. Game là 1 ngành công nghiệp, và ở địa vị ấy nó đã phát triển đến độ có thể tùy ý đẩy sức mạnh đồ họa lên những tầm cao mà trước đây chúng ta chưa từng mơ tới. Chúng ta lại càng có thể kết hợp yếu tố ấy với chất lượng gameplay hoàn hảo để tạo nên 1 trải nghiệm hoàn toàn mới, hoàn toàn độc đáo và có thể làm tê liệt dây thần kinh của mọi game thủ bằng những luồng cảm xúc thật đa dạng. Những trò chơi như Heavy Rain và The Last Guardian là 1 ví dụ điển hình với 1 lịch sử những công đoạn thiết kế cực kì sáng tạo, song hành cùng 1 bối cảnh, 1 bức tranh nền đầy tính nghệ thuật. Chúng ta, các game thủ, đang có cơ hội được sống trong 1 "kỉ nguyên HD". Người viết bài cho rằng đã tới lúc chúng ta phải học cách chấp nhận việc các tiêu chuẩn cơ bản đã và sẽ luôn được nâng cao, và đừng nên quay lưng lại với 1 trò chơi nào đó chỉ vì... nó quá đẹp và có số lượng đa giác cao dành cho vật thể, hay nhìn nhận 2 nhân tố kết nối gameplay/đồ họa 1 cách tách biệt.

    Sau tất cả, khi chúng ta được thưởng thức 1 món ăn ngon, chúng ta không bao giờ chia cắt những thành phần của chúng và tách chúng ra, nhấm nháp từng thứ 1. Chúng ta sẽ tận hưởng toàn bộ hương vị hấp dẫn ấy. Chơi game cũng giống như vậy thôi. Gameplay và Đồ họa là 2 trong số những gia vị khiến cho 1 trò chơi trở nên thú vị, ấn tượng và mang tính giải trí cao. Khi chúng ta cố gắng nhìn nhận về chúng như những yếu tố tách biệt nhau, chúng ta đã vô tình bỏ qua mục đích của các nhà làm game. 1 vài hãng phát triển đã thành công với những cơ chế đồ họa và gameplay đơn giản (điển hình như Braid, Castle Crashers,...) và 1 vài hãng khác lại nổi bật lên với những thiết kế phức tạp, chi tiết và cầu kì (Metal Gear Solid 4, Killzone 2,...). Rốt cuộc, điều quan trọng nhất vẫn là: Những món ăn tinh thần như thế luôn luôn làm ta phải ngất ngây.

  2. #2
    phuonglan11 Guest
    Nay đã trở lại rồi à [IMG]emoj/fb-big-smile.png[/IMG][IMG]emoj/fb-big-smile.png[/IMG][IMG]emoj/fb-big-smile.png[/IMG]

  3. #3
    nguyenbinhtai123 Guest
    :"> :"> :"> hehe tình yêu còn lớn mà :">

  4. #4
    evadoctor96 Guest
    Lợi hại gấp đôi [IMG]emoj/fb_wink.png[/IMG])

  5. #5
    Don1210668 Guest
    bài viết quá hay hàm ý quá chuẩn :>:>

  6. #6
    hoanglien6886 Guest
    ủa , hôg , thực sự là đọc mơ màng thế nào ấy , hổg hỉu rõ dc cái mấu chốt " đồ họa vs gameplay " có hơi rõ chỗ Nathan Drake thôi hà

  7. #7
    Sanfordbef Guest
    Bài viết hay quá nhưng dài quá nên chuưa đọc hết đc he he

  8. #8
    nguyenle Guest
    Game có Đồ họa đẹp làm ta phải đắm đuối ngắm nhìn,
    nhiều khi chơi game mà cứ đi ngắm nhìn cảnh vật, thưởng thức cái đẹp ko thể tìm thấy được trong hiện thực...

    Nếu bro thêm vào bài viết cả âm thanh / âm nhạc trong game thì thật tuyệt..

    1 Game có gameplay hay nhưng ko chú trọng đồ họa thì người ta chỉ nhớ tới nó như 1 mini-game.

    Còn game có gameplay sáng tạo và cả đồ họa bắt mắt ấn tượng, âm nhạc hoành tráng đi vào lòng người thì nó sẽ trở thành 1 ý ức ko quên được trong mỗi chúng ta.

    Theo mình, một game hay thì phải đáp ứng toàn bộ yếu tố trên về âm, hình, story, và gameplay.
    nó phải đi đôi với nhau. hòa hợp vào nhau
    .. nếu ko thì game đó vẫn chưa hoàn chỉnh, cần nhiều thời gian đầu tư hơn.

  9. #9
    muaban2016 Guest
    Chắc mình gà nên đọc bài này xong cứ như đàn gảy tai trâu @-)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •